Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Chanh đào ngâm mật ong

Thời tiết chuyển mùa sang thu, là thời điểm lọ chanh đào phát huy tác dụng trị ho cho cả gia đình bạn đấy. Chanh đào ngâm mật ong là bài thuốc dân gian mà nhiều gia đình áp dụng để trị ho, chữa viêm họng.

Cách ngâm chanh đào mật ong khá đơn giản, hơn nữa nó còn khá dễ uống - đặc biệt với trẻ nhỏ khi dùng để phòng và trị viêm họng, ho khi giao mùa. 

Nguyên liệu cần chuẩn bị:
  • Chanh đào: 1kg
  • Mật ong: 1 lít
  • Đường phèn: 600g
  • Muối hạt
  • Hũ thủy tinh

Cách ngâm chanh đào mật ong

cach-ngam-chanh-dao-1
Chanh đào rửa sạch, sau đó ngâm với nước sôi pha muôi trong khoảng 30 phút. Vớt ra để cho khô từng quả.
cach-ngam-chanh-dao-2
Đường phèn các bạn giã nhỏ, để khi ngâm đường dễ tan và ngấm vào chanh hơn.
Cách ngâm chanh đào có 2 cách.
cach-ngam-chanh-dao-3
Cách thứ nhất: Thái chanh đào thành từng lát mỏng, cho chanh đào vào hũ thủy tinh, cứ 1 lớp đường dải trên 1 lớp chanh đào cho đến khi hết. Sau đó cho mật ong đổ ngập mặt chanh đào, lèn chanh xuống dưới bề mặt mật ong. Đậy hũ lại, dùng được sau khoảng 1 tháng.
cach-ngam-chanh-dao-4
Cách thứ hai: Khía lên quả chanh vài đường hoặc dùng tăm đâm xung quanh quả chanh, xếp 1 lượt chanh 1 lượt đường, cuối cùng cho mật ong vào, lèn chặt và đậy nắp. Với phương pháp này thì chanh đào lâu ngấm hơn, khi dùng cần cắt chanh ra.

Lưu ý:
  • Các mẹ ngâm nên sử dụng hũ thủy tinh để ngâm cho an toàn nhé. Nên mua hũ có thể tích lớn hơn lượng chanh ngâm, vì sau một thời gian ngâm chanh sẽ lên men và tiết nước chanh ra nhiều hơn.
  • Ngoài ra cũng không nên bịt quá kín miệng hũ nhé. Để hũ chanh đào ở nơi thoáng, mát (không cho vào tủ lạnh).
Thời gian đầu mới ngâm, nếu thấy nổi bọt thì các mẹ nhớ hớt bỏ đi nhé. Không để chanh nổi lên khỏi mật ong vì sẽ bị mốc, hỏng. Chanh đào ngâm mật ong càng lâu thì càng tốt để trị ho hay viêm họng. Ngâm chanh giữ nguyên hạt sẽ tốt hơn nhé.
cach-ngam-chanh-dao-5
Chanh đào mới ngâm thời gian đầu dùng có vị đắng, nhưng càng để lâu chanh đào càng dễ ăn như ô mai, rất tốt cho họng. Sử dụng chanh đào ngâm mật ong thích hợp với cả gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ khoảng từ 1,5 tuổi trở lên. Với trẻ nhỏ khi mới chớm ho thì dùng 1 thìa nhỏ vào mỗi buổi sáng khi ngủ dây. Với người lớn, dùng lát chanh ngâm, trộn cùng với dung dịch ngâm mật ong nhai rồi ngậm khoảng 15 - 20 phút sau đó nuốt, ngày vài lần.
Khi bị ho nặng mới dùng chanh đào ngâm mật ong thường không có tác dụng nhiều, nhưng nó giúp tốt cho họng, làm dịu cơn đau ở họng. Tùy từng người mà có thể cách dùng chanh đào có hợp hay không. Với người bị nhiệt miệng thì các bạn nên sử dụng chanh đào ngâm muối đường.

Cơm chiên

Cơm chiên Dương Châu là một món ăn nổi tiếng, hầu như tất cả các nhà hàng Trung Quốc nào cũng có món cơm chiên này. Hãy cùng học nấu ăn với món cơm chiên Dương Châu này nào.

Nguyên liệu cho món cơm chiên Dương Châu:

  • Cơm: 4 bát
  • Chả lụa: 100g
  • Lạp xưởng: 1 cái
  • Thịt xá xíu: 100g
  • Tôm khô: 50g
  • Trứng gà: 2 quả
  • Đậu Hà Lan: 50g
  • Cà rốt: 1 củ
  • Hành lá, tỏi băm
  • Dầu ăn, dầu màu điều
  • Xì dầu, tiêu, muối
com-chien-duong-chau

Cách làm cơm chiên Dương Châu

- Cơm bạn nấu xong để nguội, với cơm để chiên thì trong quá trình nấu khi cơm sôi gần cạn nước, bạn cho thêm một chút dầu và đảo đều với cơm sẽ giúp hạt cơm không bị dính vào nhau, khi chiên cơm sẽ ngon hơn.
- Cà rốt làm sạch, thái hạt lựu. Tôm khô ngâm nước ấm cho nở ra. Chả lụa, xá xíu, lạp xưởng đem thái hạt lựu. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
- Cho dầu ăn vào chảo cùng dầu màu điều, bật bếp đun nóng dầu rồi cho tỏi băm vào phi cho thơm. Khi tỏi đã thơm bạn cho cà rốt vào xào cho hơi chín, tiếp đó cho tôm đã ngâm qua nước ấm vào, cho tiếp trứng gà vào đảo cùng cho trứng gà tan ra. Cuối cùng bạn cho đậu Hà Lan vào đảo cùng, nêm chút muối để các nguyên liệu ngấm gia vị.
- Sau đó bạn trút các nguyên liệu đã xào trên ra một cái đĩa, và cho thêm một chút dầu vào chảo, cho cơm vào chiên. Chú ý đảo đều cơm để hạt cơm tơi ra, không bị dính vào nhau. Nêm xì dầu vào cơm để thấm gia vị. Sau đó cho giò lụa, xá xíu, lạp xưởng cùng hỗn hợp đã xào trước đó vào đảo cùng với cơm.
- Đảo đều cho đến khi cơm hơi khô, các nguyên liệu đều đã chín, cho thêm hành lá thái nhỏ, nêm lại gia vị rồi tắt bếp. Rắc thêm chút hạt tiêu cho thơm.
COM-CHIEN-DUONG-CHAU-1
- Cho cơm ra đĩa sâu lòng, ăn kèm cơm rang với dưa chuột cắt lát, rau thơm ^^ Chúc các bạn ngon miệng

Cách nấu cháo lòng làm sao không hôi?

Cháo lòng là một trong những món ăn khá phổ biến và quen thuộc của người Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các hàng cháo lòng bán dạo ven đường hay ở các quán ăn bình dân.

Cháo lòng dễ ăn, thêm chút rau thơm, ớt hay ăn kèm với quẩy tùy khẩu vị của mỗi người mà bạn đã có một món ăn ngon lành rồi. Cùng học cách nấu cháo lòng ngon để phục vụ gia đình mình nhé :D

Nguyên liệu cần chuẩn bị:
  • Gạo nếp thơm: 1/3 bát
  • Gạo tẻ thơm: 1/2 bát
  • Xương lợn: 500g
  • Lưỡi lợn: 1 chiếc
  • Gan lợn: 100g
  • Tiết lợn: 200g
  • Tim, lòng non, dạ dày, dồi dạ dày tùy số lượng theo ý thích của bạn
  • Nước lọc: 3 lít
  • Hành lá, hành tím, gừng
  • Nước mắm, muối, tiêu, giấm
  • Rau mùi, mùi tàu, giá đỗ, ớt ăn kèm

Cách nấu cháo lòng ngon

- Xương lợn rửa sạch, chặt miếng nhỏ cho vào luộc qua, đổ nước và rửa lại cho hết hôi. Sau đó cho xương vào hầm cùng 3 lít nước, đập thêm ít hành tím nướng vào. Thi thoảng hớt bọt cho nước hầm trong.
- Tiết chia làm 2 phần. 1 phần thêm chút nước lọc, mì chính và nước mắm, để đông. 1 phần để riêng, sau cho vào nước nấu cháo.
- Gạo vo sạch, ngâm khoảng 1 tiếng, sau đó vớt ra để ráo, giã nhỏ.
- Lưỡi lợn rửa sạch, sau đó trần qua nước sôi có pha giấm, bỏ ra cạo sạch phần trắng, làm sạch. Cuối cùng cho vào luộc chín.
- Tim, gan, lòng non, dạ dày làm sạch sau đó cho vào nồi, đổ ngập nước, luộc chín. Dồi có thể chiên hay luộc chín tùy ý thích của bạn.
chao-long
- Gạo giã nhỏ cho vào nước luộc xương (đã bỏ xương) nấu thành cháo, thêm 1 phần tiết lợn vào đánh tan, nấu cùng với gừng băm.
- Khi cháo chín mềm, gạo nở đều và mịn, nêm gia vị cho vừa ăn, thêm tiết để đông đã cắt nhỏ (bát tiết đông đưa lưỡi dao vào cắt thành các miếng vuông) vào ninh thêm khoảng 15 phút là được.
chao-long-1
- Tim, gan, lòng non, dạ dày, dồi chín đem thái mỏng, bày ra đĩa. 
- Cho cháo ra bát, rắc thêm hành lá thái nhỏ, hạt tiêu. Ăn kèm với rau mùi, giá đỗ và phần luộc đã bày ở đĩa. Ăn kèm quẩy, ớt nếu thích.
chao-long-3

 Chúc các bạn nấu ăn thành công với cách nấu cháo lòng này nhé ^^

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Bữa cơm số 1

Nhiều mẹ vất vả nghĩ Hôm nay ăn gì? Vậy hãy theo dõi chuyên mục này của Bếp để khỏi mất công nghĩ ngợi nhiều nhé.

1. Món mặn

Thịt kho tiêu rất thơm, món ăn này thơm nức hương tiêu quyện với mùi thịt kho nên vô cùng kích thích khứu giác. Món ăn này ăn vào mùa lạnh sẽ rất hợp và ấm bụng đấy.
Các mẹ click vào ảnh để xem cách làm nhé
thit-kho-tieu

2. Món canh

Canh hến nấu chua với vị ngọt của hến, chua dịu của cà chua, khế cùng với mùi thơm của rau răm tạo nên sức hấp dẫn cho món canh ngon này. Món canh chua này rất thích hợp cả với thời tiết lạnh của mùa đông hay thời tiết nóng của mùa hè đấy nhé. Các mẹ nhớ ăn kèm với rau sống nhé ^^
Các mẹ click vào ảnh để xem cách làm nhé
canh-hen-nau-chua

3. Món dưa ăn kèm

Dưa bắp cải là một món ăn dân dã và gần gũi với nhiều gia đình Việt Nam, món dưa chua này thường được muối bằng bắp cải và một số loại rau khác như răm, cần ta, cà rốt... Các mẹ có thể muối dưa bắp cải và dùng dần trong 2-3 ngày nhé ^^
Các mẹ click vào ảnh để xem cách làm nhé
thanh-pham-dua-ba-cai
Tổng thiệt hại của bữa cơm này không quá 70k cho gia đình 4 người đâu nhé các mẹ ^^
Món ngon mỗi ngày

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Cá chép om

Một món ăn ngon vừa có thể coi như một món "lẩu" để lai zai hoặc món canh chua cho bữa cơm thường ngày. Cá chép om dưa được rất nhiều người ưa thích với sự đậm đà của món ăn, chút chua dịu của dưa cải, vị ngọt từ thịt cá chép.

Cùng ẩm thực 365 học cách làm cá chép om dưa nhé

cá chép om dưa

NGUYÊN LIỆU CÁ CHÉP OM DƯA

  • 1 con cá chép tươi khoảng 2kg (chọn cá còn sống, loại từ 1kg trở lên là được, cá trên 2kg sẽ ngon nhất)
  •  150g Thịt mỡ
  • 1 bát lớn dưa cải muối
  • 2 quả cà chua
  • 2 muỗng cà phê giấm bỗng hoặc mẻ
  • Thì là, hành tím, gừng, nghệ, ớt, hành lá
  • Muối, tiêu, đường và dầu ăn.

CÁCH LÀM CÁ CHÉP OM DƯA

1- Rửa sạch thịt mỡ, thái miếng dài và đem rán vàng giòn thành tóp mỡ, cho tóp mỡ ra riêng, nước mỡ để trong chảo 1 nửa, 1 nửa bỏ riêng.
2 - Cá chép đánh vẩy, mổ làm sạch bụng, bỏ mang. Bộ lòng cá làm sạch với muối hạt rồi rửa sạch, để ráo và đem rán sơ với nước mỡ ở trên để da cá hơi vàng và thịt cá săn lại là được. Cho ra đĩa để riêng.
3 - Rửa và vắt dưa chua qua nước vài lần để xả bớt độ chua; thái cà chua thành múi cau, bỏ hạt; gừng đập dập; nghệ, ớt băm nhỏ, hành tím thái mỏng. Hành lá, thì là cắt khúc 2,5cm.
4 - Bắt nồi lên bếp, cho nước mỡ vào phi hành cho thơm và xào phần cà chua để tạo màu đỏ đẹp tự nhiên. Tiếp theo, cho phần dưa chua vào đảo đều với ít gừng và ớt. Cho thêm phần giấm bỗng vào để tăng thêm hương vị cho món ăn trước khi cho cá vào và chêm thêm nước.
5 - Khi thấy nước om sôi lại, bạn cho thêm tóp mỡ và ½ muỗng cà phê nghệ băm vào cùng. Bạn có thể nghiêng nhẹ nồi, dùng muôi rưới nước lên thấm đều cá thay vì lật cá lại sẽ làm nát con cá.
6 - Khi cá còn lại khoảng 1/2 nước, bạn tắt bếp và cho hành, thì là cho lên mặt. Món này có thể dùng thêm với rau sống và ăn kèm với món bún sẽ rất hợp vị.
cá chép om dưa chua

Chúc các bạn học nấu ăn thành công và nhớ xem thêm nhiều công thức Các món lẩu ngon khác tại chuyên mục Món ngon mỗi ngày nhé 😀

Lẩu thả Phan Thiết

Thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận là địa phương có ẩm thực đa dạng và phong phú. Ngoài gỏi cá suốt, cá mai, cá lồi xối mỡ, ốc ruốc, bánh bèo, bánh xèo hay trứng mực... thì lẩu thả Phan Thiết cũng là một đặc sản dân giã không kém phần nổi bật.
Cá tươi là nguyên liệu chính của món ăn ngon này, thường là cá mai, cá suốt hay cá đục. Tuy nhiên cũng có thể thay thế với các nguyên liệu khác cho phù hợp với địa phương của mình. Ngoài ra còn một số nguyên liệu khác như trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo... Tất cả đều được thái sợi và đặt lên những cánh hoa chuối, xếp quanh đĩa cá thái mỏng tạo hình một bông hoa.

Nghe có vẻ khá cầu kỳ, vậy hãy cùng Bếp 360 học cách nấu ăn với món lẩu thả Phan Thiết nào.

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho lẩu thả Phan Thiết

  • 1 con cá điêu hồng/cá quả khoảng 1kg (Nếu có cá mai, cá suốt hay cá đục là ngon nhất)
  • 2 quả trứng gà.
  • Tôm sú tươi: 200g
  • Thịt ba rọi: 300g
  • Nước hầm xương làm nước lẩu
  • Cà chua, xoài sống, dưa chuột, khế chua,
  • Rau ăn kèm: xà lách, húng quế, húng thơm, hành lá.
  • Đường, hạt nêm, muối, ớt bột, màu hạt điều và 1 kg bún tươi.

Cách làm lẩu thả Phan Thiết

1 - Cá điêu hồng làm sạch, lóc thịt phi lê rồi thái lát mỏng. Ướp thịt cá với hạt nêm, đường, muối, ớt bột.
2 - Trứng đánh tan, cho vào ít màu hạt điều rồi chiên vàng, thái sợi. Thịt ba rọi luộc chín, thái sợi.
3 - Dưa leo, xoài, khế rửa sạch, thái nhỏ. Các loại rau cũng thái nhỏ. Xếp các nguyên liệu vào từng bẹ bắp chuối riêng
4 - Tôm sú lột vỏ, bằm nhuyễn. Cà chua rửa sạch, bằm nhuyễn. Phi thơm tỏi, cho cà chua vào xào đều rồi cho tôm bằm, hạt nêm, đường vào xào chín. Sau đó cho nước hầm xương vào đun sôi. Nêm lại vừa ăn có vị hơi chua nhẹ là được.
lau-tha-phan-thiet
5 - Dọn món ăn ra bàn, khi ăn, nhúng cá vào nước lẩu cho chín rồi ăn kèm với các nguyên liệu khác. Ăn kèm món này là chén nước chấm tương đậu hoặc nước mắm ớt.

Chúc các bạn có thêm một Món ngon mỗi ngày cho gia đình, nhớ thêm món lẩu thả Phan Thiết vào danh sách các món lẩu ngon của nhà mình nhé :D